Gà con trong giai đoạn đầu tiên sau khi nở có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện do đó chúng rất nhạy cảm với các yếu tố gây bệnh. Việc hiểu rõ hệ thống miễn dịch và khả năng phản ứng với các kháng nguyên là điều quan trọng trong việc bảo vệ gà con.
1. Hệ thống miễn dịch của gia cầm
- Hệ thống miễn dịch là một hệ thống phức tạp cả về chức năng và cấu trúc. Hệ thống miễn dịch phân tán rộng rãi khắp cơ thể và nó bao gồm các cơ quan, các yếu tố tế bào và các yếu tố thể dịch.
- Khả năng miễn dịch của gia cầm phát triển thông qua hệ thống bạch huyết. Các cơ quan của hệ thống miễn dịch được chia thành cơ quan lympho sơ cấp và thứ cấp.
- Các cơ quan lympho sơ cấp: túi Fabricius và tuyến ức, trong đó các tiền lympho bào phát triển thành các lympho bào miễn dịch.
- Các mô lympho thứ cấp: lá lách, tủy xương, tuyến Harderian, tuyến tùng và các lympho gắn với bề mặt niêm mạc như niêm mạc khí quản, ruột, kết mạc và các mô liên kết khác.
- Các tổ chức lympho nằm ở các vị trí quan trọng, khi kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể từ da hoặc bề mặt niêm mạc có thể bị bắt giữ và tiêu diệt. Tế bào bạch huyết, tế bào vận chuyển, tế bào trình diện kháng nguyên và các tế bào điều hòa khác cũng hỗ trợ loại bỏ các tác nhân gây bệnh không mong muốn.
2. Yếu tố làm chậm khả năng tiếp cận thức ăn ở gà con mới nở?
- Sau khi ra khỏi máy ấp gà con sẽ trải qua các quá trình phân biệt trống mái, chủng ngừa vắc xin, vận chuyển.
- Trong thực tế, một số gà con sau khi nở có thể mất đến 36-48 giờ không được tiếp cận với thức ăn hoặc nước uống. Điều này dẫn đến khả năng sống kém và chậm phát triển. Như vậy, thời gian từ khi nở đến khi bắt đầu nhận được dinh dưỡng là thời kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của gia cầm con.
3. Nguồn dinh dưỡng cho gà con mới nở
- Ở gà con vừa mới nở, lòng đỏ cung cấp nguồn năng lượng và protein. Sự hấp thụ các chất dinh dưỡng và kháng thể mẹ truyền từ túi lòng đỏ là quan trọng cho sự sống sót trong giai đoạn đầu.
- Lòng đỏ thường được sử dụng hết trong vòng 4 ngày sau khi nở. Tuy nhiên, đối với gà con được cho ăn ngay sau khi nở thì lòng đỏ sẽ tiêu nhanh hơn so với gà con nhịn ăn trong 48 giờ.
- Nguyên nhân là do thức ăn trong đường ruột kích thích sự nhu động, thúc đẩy sự di chuyển lòng đỏ đến tá tràng.
4. Lợi ích của việc cho gà ăn sớm
- Cho gà ăn sớm sau khi nở có thể đẩy nhanh quá trình hấp thu lòng đỏ, tăng cường phát triển đường tiêu hóa và kích hoạt bài tiết các enzyme tuyến tụy giúp đồng hóa chất dinh dưỡng, phát triển cơ và cải thiện năng suất thịt.
- Thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển của cả các cơ quan bạch huyết sơ cấp và thứ cấp. Hệ thống miễn dịch của gà con đặc biệt là hệ thống miễn dịch niêm mạc cũng cần thức ăn để phát triển nhanh chóng.
- Việc gà con tiếp cận với thức ăn chậm không chỉ làm suy yếu sự phát triển của ruột mà còn làm giảm sự phát triển của các mô bạch huyết như túi Fabricius, amidan, manh tràng… do đó kéo dài vấn đề này có hại cho sự phát triển của hệ miễn dịch.
- Dinh dưỡng sớm giúp gà con có một khởi đầu tốt trong quá trình sống. Thời gian từ khi nở đến khi bắt đầu cho ăn là thời kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của gia cầm con. Lượng lòng đỏ còn lại có thể đủ để giữ cho gà con sống trong 3 đến 4 ngày sau khi nở nhưng nó không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của các cơ quan miễn dịch hoặc cho khả năng miễn dịch tối ưu. Dinh dưỡng thích hợp và khả năng tiếp cận thức ăn ngay sau khi nở có thể đẩy nhanh quá trình sử dụng lòng đỏ và kích thích sự tăng trưởng và phát triển của hệ thống miễn dịch. Vậy, tại sao phải trì hoãn việc cho ăn? .
(Tài liệu tham khảo: https://www.wattagnet.com/articles/662-boosting-the-chicks-immune-system-through-early-nutrition)